HTX Trà và Du lịch Cộng đồng Tiến Yên - Chè Tân Cương Thái Nguyên

HTX Trà và Du Lịch Cộng Đồng Tiến Yên: Tâm huyết với hương vị cổ truyền

 HTX Trà và Du Lịch Cộng Đồng Tiến Yên: Tâm huyết với hương vị cổ truyền

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên hơn chục cây số về phía tây, Tân Cương là vùng đất bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt. Nơi đây một thương hiệu chè nổi tiếng được trồng ở mảnh đất Tân Cương, nổi danh cả nước và là niềm tự hào của mảnh đất Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế. Vùng chè Tân Cương, vốn từ xưa đã được thiên nhiên ưu đãi ban cho một thổ nhưỡng khí hậu, độ ẩm thuận lợi để phát triển cây chè, là yếu tố thiên thời địa lợi cho vùng chè trọng điểm này. Hiện nay ở Thái Nguyên và nhiều vùng chè khác đang trồng những giống chè cho sản lượng cao, nhưng chỉ có ở Tân Cương, là đất chè có tiếng ở vùng Việt Bắc, nơi trồng được giống chè trung du truyền thống, có hương vị “tiền chát hậu ngọt” mà không một giống chè lai nào có được. Một trong những nơi tâm huyết lưu giữ hương vị trăm năm của giống chè cổ trung du là cơ sở sản xuất chè Tiến Yên ở xóm Hồng Thái II – Tân Cương.

Anh Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở và là con của nghệ nhân Bùi Xuân Tiến cho biết, gia đình anh có khoảng 1 ha chè. Để có được chè ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải được thiên nhiên ưu đãi, chất đất, độ ẩm, có lẽ đất ở đây rất phù hợp với loại cây này. Từ khi anh được bố truyền cho làm nghề này đến nay, anh đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệp quý báu trong việc trồng, chế biến chè. Trước đây gia đình thường sao sấy thủ công bằng củi, nay anh đã đầu tư máy móc sang sấy bằng gas, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè nên sản phẩm của gia đình đã đạt tiêu chuẩn VIETGAP và UTZ. Bởi vậy, các sản phẩm Chè Đinh, Chè Tôm lửng, chè tôm nõn, chè móc câu...truyền thống của cơ sở Tiến Yên đã và đang khẳng định chất lượng và uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Không chỉ nghĩ riêng cho gia đình mình, cơ sở Tiến Yên còn giúp hàng chục hộ trồng chè khác cùng phát triển, từ thu mua sản phẩm đến tạo công ăn việc làm. Hiện nay cơ sở sử dụng hàng chục công nhân trong dây truyền sản xuất, với mức thu nhập 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

Được biết, để nâng cao giá trị cây chè, tỉnh Thái Nguyên dự kiến từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ đầu tư trên 220 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng. Còn lại là các nguồn vốn huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn khác để triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè. Nhưng có một yếu tố khác cũng làm gia tăng giá trị vùng chè, đó là làm du lịch.

Đến Tân Cương vào bất kỳ thời điểm nào ta cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ, xanh mướt một màu của những đồi chè. Những búp chè xanh mơn mởn và căng tròn nhựa sống trải dài vô tận trên đồi, trên nương. Với cảnh quan yên bình, con người thân thiện, Tân Cương đang được tỉnh chọn làm vùng trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng. Anh Bùi Trọng Đại, chủ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi vừa làm nghề, vừa kết hợp du lịch. Ban đầu ai cũng rụt rè nhưng khách tới ngày càng đông, bà con cũng quen dần. Bà con thấy vậy cũng vui, vì vừa làm công việc của mình, lại được quảng bá văn hóa chè”. Để đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, kết nối tour, tuyến du lịch gắn với địa danh trồng chè, tuyên truyền vận động nông dân cùng làm du lịch.

Thành lập từ năm 1971, qua gần nửa thế kỷ thăng trầm gắn bó với cây chè, có thể nói cơ sở sản xuất chè Tiến Yên đã đủ để ta thấy được lòng nhiệt huyết và say nghề của gia đình Bùi Trọng Đại đối với thứ cây đã gắn bó bao đời bên mảnh đất quê hương.

 

Nguồn tin: Nguyễn Loan