Từ lâu lắm rồi, chẳng nhớ từ lúc nào, cây chè xanh đã gắn bó với cuộc sống của người dân Việt. Bát nước chè xanh, cùng nhau tâm tình đã là hình ảnh của mọi gia đình Việt, mà trà ngon nhất thì chỉ có ở vùng Thái Nguyên. Các sử gia triều Trần cũng đã có ghi chép rằng đất Thái Nguyên là vùng trồng chè lâu đời, chè ngon dâng vua chúa. Như một lẽ tự nhiên, uống trà trở thành một nét văn hóa lâu đời của người dân nước Việt.
Đất ở vùng Tân Cương Thái Nguyên được cho là có chứa những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, đây chính là yếu tố quyết định đến hương vị cốm non đặc trưng của chè Thái Nguyên, làm nên bản sắc, tạo ra sự phong phú muôn vị độc đáo của “Trà Tiến Yên” (Tôm nõn) – một sản phẩm nổi tiếng được làm nên bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề chè Tân Cương.
Sản phẩm của Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên tạo ra từ cây chè được trồng, chăm sóc tự nhiên theo tiêu chuẩn VietGAP – chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Để có được những cánh trà ngon, xứng đáng với thương hiệu “Thái Nguyên đệ nhất danh trà” các nghệ nhân phải làm hết sức công phu, tuân theo một quy trình kỹ thuật liên hoàn cực kì nghiêm ngặt.
Đầu tiên là hái trà. Người được chọn hái trà phải là những cô thôn nữ có bàn tay khéo léo và nhanh nhẹn, như thế mới đảm bảo hái trà nhanh và búp trà không bị gẫy nát. Người ta hái trà theo nguyên tắc: một tôm, một lá, nghĩa là chọn hái lá trên cùng còn đang cuộn tròn và hái lá kế tiếp ngay cạnh đó.
Sau khi làm tái lá trà xong người ta sẽ đổ trà ra nong, nia sạch sẽ rồi bắt đầu vò. Những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân khiến những búp trà xoăn tít lại, trà tiếp tục được đưa vào sao lần thứ hai cho ráo hẳn nước rồi lại tiếp tục vò và sau đó đổ ra sàng, phơi ở nơi có gió và không có ánh nắng. Quá trình sao và vò liên tục như vậy người ta gọi là sao suốt.
Quá trình lấy hương là quá trình vô cùng quan trọng. Bởi nếu làm không đúng cách trà không thể có được hương vị đặc trưng của trà Thái Nguyên truyền thống. Trà sau khi được sao cho khô kiệt sẽ được đổ ra chiếc chảo lớn bằng đồng để lấy hương. Điều tối quan trọng là phải điều chỉnh độ nóng của lửa sao cho thích hợp. Chảo đồng được sử dụng có thể tích lớn, đáy bằng, miệng rộng, các nghệ nhân nhẹ nhàng đảo trà trong chảo cho tới khi ra được cái màu mốc đặc trưng và dậy hương cốm non nồng nàn, cánh trà xoăn mà không gẫy vụn. Đó là cách tạo ra “Trà Tiến Yên” (Tôm nõn) chính hiệu. Nếu bạn muốn thưởng thức cái vị đặc biệt của “Đệ nhất danh trà” thì có thể tìm đến Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên để một lần thưởng thức, nhâm nhi và cảm nhận trọn vẹn những gì tinh túy nhất, đậm đà nhất của một loại đồ uống cao lương mỹ vị gắn với huyền thoại hồ Núi Cốc – một câu chuyện tình lãng mạn, thủy chung…